Một chiến dịch quảng cáo Facebook cần nhiều hơn là những mục tiêu Marketing, bởi nguồn lực và ngân sách chính là yếu tố quyết định để các doanh nghiệp cân nhắc sử dụng hợp lý cho các chiến dịch mà vẫn đạt được những hiệu quả mong muốn.
Advertising Vietnam sẽ chia sẻ phương pháp thiết lập nguồn chi tiêu cho quảng cáo trên Facebook để phù hợp với mục tiêu doanh thu của doanh nghiệp, cũng như những lỗi phổ biến cần tránh trong quá trình quản lý ngân sách.
# 1: Thiết lập ngân sách quảng cáo trên Facebook
Bước đầu tiên để xác định ngân sách Facebook ads chính là hiểu rõ những con số quan trọng trong các hoạt động tiếp thị và bán hàng, từ đó cân nhắc mục tiêu cho chiến dịch quảng cáo. Phần lớn các doanh nghiệp đều mong muốn tăng thêm doanh thu, đồng nghĩa với việc cần phải tập trung tìm kiếm thêm khách hàng tiềm năng và thúc đẩy bán hàng.
Thông thường, ngân sách marketing cho hầu hết các doanh nghiệp sẽ dao động từ 5% –12% doanh thu. Đối với các doanh nghiệp mới thành lập, cách hợp lý nhất để tìm hiểu insight khách hàng trước khi quyết định “mở hầu bao” quảng cáo trên Facebook là tận dụng phương thức truyền miệng (word-of-mouth), hay còn được biết đến như một phương pháp tiếp thị giới thiệu (referral marketing). Các doanh nghiệp có thể bắt đầu bằng cách tìm hiểu những nguồn thông tin trong ngành để có những dữ liệu cần thiết và học hỏi, chia sẻ ý tưởng từ những người bạn, những mối quan hệ sẵn có. Các công ty mới bắt đầu với Facebook ads thường có xu hướng chi ra 12% doanh thu để tăng trưởng nhanh hơn, nhưng nếu doanh nghiệp của bạn đã có một khoản lợi nhuận ổn định, 5% chi phí từ doanh thu sẽ là con số hợp lý để duy trì và tăng trưởng từ từ.
Để dễ dàng theo dõi hiệu quả của chiến dịch, dưới đây sẽ là những chỉ số quan trọng mà các doanh nghiệp cần quan tâm:
Chi phí cho mỗi khách hàng tiềm năng (cost-per-lead)
Marketer cần cân nhắc quyết định mức hợp lý nhất cho loại chi phí này, bởi dù rằng đôi khi khách hàng tiềm năng sẽ chưa phải là đối tượng mua hàng, nhưng vẫn là đối tượng mà bạn cần tiếp cận trước khi đến bước bán hàng kế tiếp.
Chi phí sở hữu khách mua hàng (customer acquisition cost)
Bạn đã phải bỏ ra bao nhiêu để có được một khách hàng? Câu hỏi này sẽ giúp marketer cân nhắc và linh hoạt mức chi phí để thu về lượng khách hàng mong muốn. Mỗi doanh nghiệp sẽ có quy mô và tệp sản phẩm riêng, vì thế, không có con số chung nào áp dụng cho tất cả các công ty. Khi sở hữu nhiều sản phẩm và dịch vụ khác nhau, thì CAC sẽ tương ứng với từng sản phẩm và lượng khách mua hàng mong muốn.
Tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate)
Tỷ lệ chuyển đổi cũng là yếu tố cần quan tâm, bởi cho dù bạn đang kinh doanh ngoại tuyến (offline) hay trực tuyến (online), thì việc xác định khách hàng tiềm năng để chủ động có phương án hành động tiếp theo (ví dụ: gọi điện, nhắn tin, email…) và biến họ thành khách mua hàng là điều cần thiết.
# 2: Phân bổ chi tiêu quảng cáo trên Facebook của bạn
Khi đã xác định được mức chi tiêu quảng cáo hàng tháng của mình, bước tiếp theo bạn cần sẽ là phân phối ngân sách đúng cách để có kết quả tốt nhất, có thể chia theo 3 hạng mục như dưới đây:
Tạo tương tác và gắn kết với khách hàng
Khoảng 20% chi tiêu quảng cáo trên Facebook của bạn nên được dành riêng cho việc “giáo dục”, tương tác và xây dựng tệp khán giả. Thông thường, các thương hiệu sẽ chỉ chú trọng sản xuất dạng quảng cáo nhắm trực tiếp vào khách mua hàng tiềm năng hoặc tập trung vào việc cung cấp nội dung. Dù vậy, bạn vẫn luôn cần kết hợp cả hai loại quảng cáo để tạo kết nối lâu dài với khách hàng mục tiêu, như vậy 20% chi phí quảng cáo đó sẽ được tối ưu.
Quảng cáo thuần tuý
Khoảng 60% ngân sách của bạn nên tập trung trực tiếp vào việc quảng cáo sản phẩm và các ưu đãi, từ đó thúc đẩy tỉ lệ chuyển đổi cao hơn.
Retargeting
20% ngân sách còn lại bạn nên dành cho retargeting (phân phối các nội dung khác nhau đến các khách hàng tiềm năng dựa trên hoạt động của họ trên site của bạn), đây là một cách hiệu quả để thu được nhiều lợi nhuận từ khách hàng của bạn. Tuy nhiên, phương án này sẽ rất khó để nhìn thấy kết quả về mặt tài chính vì nó khiến nhóm đối tượng của doanh nghiệp bị thu hẹp lại.
Phần ngân sách quảng cáo của bạn sẽ được tối ưu hoá khi khéo léo sử dụng cả 3 kiểu quảng cáo này.
BONUS: 4 lỗi phổ biến cần tránh khi quảng cáo trên Facebook
Trong quá trình quảng cáo trực tuyến, doanh nghiệp không thể tránh khỏi những trường hợp khoản tiền chi ra bị lãng phí. Dưới đây là một số lỗi phổ biến hiện nay:
Thời gian cho chiến dịch quảng cáo quá ngắn
Thời gian rất quan trọng để thu thập các dữ liệu ban đầu từ quảng cáo, sau đó phân tích và thực hiện các điều chỉnh cần thiết dựa trên cơ sở này. Bạn cũng cần theo dõi chu kỳ mua sắm của khách hàng, từ đó có kế hoạch hành động để biến đối tượng tiềm năng trở thành khách mua hàng.
Doanh nghiệp đang có chu kỳ mua hàng ngắn sẽ có lợi thế khi có thể nắm trong tay những dữ liệu cần thiết một cách nhanh chóng và điều chỉnh ngân sách linh hoạt hơn. Nếu khách hàng mục tiêu của bạn cần 6 tháng quay trở lại mua hàng, đồng nghĩa với việc cần chờ đợi 6 tháng để thấy được hiệu quả từ việc quảng cáo.
Không đủ ngân sách
Sai lầm lớn tiếp theo khi quảng cáo Facebook đó là chi quá ít ngân sách dẫn đến quảng cáo không hiệu quả. Để tránh điều này, bạn cần tìm hiểu kĩ đối tượng khách hàng, những yếu tố về giá cả của sản phẩm và mục tiêu bạn mong muốn có sau chiến dịch quảng cáo.
Nếu ngân sách không đủ, Facebook sẽ tự động phân phối khoản tiền đó một cách “thưa thớt” đến nỗi bạn không thể tạo ra một khách hàng tiềm năng nào trong ngày. Nếu bạn tăng số tiền này lên một mức hợp lý, cơ hội tiếp cận đối tượng sẽ rõ ràng hơn.
Lựa chọn sai loại chiến dịch
Một sai lầm khác của quảng cáo Facebook mà các doanh nghiệp thường mắc phải là chọn sai mục tiêu cũng như dạng chiến dịch.
Ba dạng quảng cáo được nêu ở trên tuy phổ biến và tương ứng với từng mục đích cụ thể, nhưng nếu doanh nghiệp thực sự muốn “thu hoạch” một lượng khách hàng tiềm năng đáng kể, hãy xác định rõ chiến lược ưu tiên và hoạch định bán hàng, thay vì chỉ tập trung thúc đẩy nhận biết thương hiệu và lượng tiếp cận.
Mắc lỗi trong việc đọc dữ liệu
Sai lầm lớn cuối cùng khi quảng cáo Facebook đó là đọc nhầm hoặc sai sót các dữ liệu trên Ads Manager. Bạn có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề này để số liệu được dễ nhìn hơn bằng cách thay đổi thứ tự các cột khi chọn “Customize Columns” trên Ads Manager.
Từ đó, marketer có thể xóa dữ liệu không cần thiết và giữ lại những phần thông tin quan trọng nhất trên giao diện để dễ dàng xác định chiến dịch nào đang tạo được kết quả khả quan để tiếp tục phát huy, cũng như cải thiện những chiến dịch chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Kết luận
Những lưu ý trên sẽ giúp bạn xác định ngân sách quảng cáo Facebook phù hợp cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tối ưu ngân sách và đạt được lợi nhuận mong muốn sẽ đòi hỏi sự linh hoạt của marketer để hiểu thương hiệu cũng như khách hàng của mình.